Bệnh bạch cầu là một loại ung thư phổ biến, chiếm 31% trong số các loại ung thư ở trẻ nhỏ. Tuy vậy những nghiên cứu cũng như các thống kê cụ thể về bệnh bạch cầu tại Việt Nam còn rất hạn chế. Bài viết sau sẽ cung cấp một số thông tin cần biết về khái niệm, phân loại và yếu tố nguy cơ của bệnh bạch cầu.

1. Bệnh bạch cầu là gì ?

Bệnh bạch cầu được định nghĩa là một bệnh ung thư máu (bao gồm cả tủy xương và hệ bạch huyết) nguyên nhân do sự quá sản tế bào bất thường của tủy xương. Bệnh bạch cầu có nhiều loại, một số loại phổ biến ở trẻ nhỏ, một số loại khác thì hầu như chỉ xảy ra ở người lớn.

Tại Việt Nam, theo thống kê được công bố năm 2018, bệnh Bạch cầu xếp thứ 7 trong số các loại ung thư được ghi nhận. Trong đó nam giới có tỷ lệ mắc cao hơn so với nữ giới (7,1% ở nam và 5,7% ở nữ).

Bệnh bạch cầu được chỉ ra là bệnh có liên quan đến tế bào bạch cầu. Khi các yếu tố nhiễm khuẩn tấn công cơ thể, tế bào bạch cầu thường lớn lên và phân chia để đáp ứng nhu cầu của cơ thể. Tuy nhiên trong trường hợp bệnh nhân mắc bệnh bạch cầu, tủy xương sản xuất ra các tế bào bất thường và không có chức năng như tế bào thông thường.

Điều trị bệnh bạch cầu có thể phức tạp, phụ thuộc vào từng loại bệnh và những yếu tố khác. Tuy nhiên vẫn có những phác đồ điều trị và chăm sóc phù hợp dẫn tới điều trị thành công.

Bệnh bạch cầu hay còn gọi là Ung thư máu
Bệnh bạch cầu hay còn gọi là Ung thư máu (Bệnh máu trắng)

2. Triệu chứng của bệnh bạch cầu

Tùy vào từng loại bệnh bạch cầu mà triệu chứng sẽ khác nhau. Bệnh nhân có thể không có biểu hiện gì trong giai đoạn đầu tiên của bệnh. Khi bệnh có biểu hiện thì thường gặp các triệu chứng sau:

  • Sự đông máu kém. Trong bệnh lý này, các tế bào bạch cầu chưa trưởng thành lấn át tiểu cầu có vai trò quan trọng giúp đông máu. Điều này có thể khiến người bệnh dễ bị bầm tím hoặc chảy máu dễ dàng và chậm lành. Bạn cũng có thể có những đốm nhỏ màu đỏ đến tím trên cơ thể, đó là xuất huyết nhỏ.
  • Nhiễm trùng thường xuyên. Các tế bào bạch cầu có vai trò rất quan trọng để chống lại nhiễm trùng. Nếu chúng bị ức chế hoặc không hoạt động đúng, bạn có thể dễ bị nhiễm trùng thường xuyên. Lúc này, hệ miễn dịch có thể tấn công các tế bào cơ thể khỏe mạnh khác.
  • Thiếu máu. Số lượng bạch cầu bất thường phát triển quá nhanh sẽ khiến chúng ăn dần tế bào hồng cầu. Khi lượng tế bào hồng cầu giảm, bạn có thể bị thiếu máu. Các triệu chứng điển hình của thiếu máu như thở khó khăn hoặc nặng nhọc và da nhợt nhạt.
  • Các triệu chứng khác. Bạn có thể ảm thấy buồn nôn, sốt, ớn lạnh, đổ mồ hôi đêm, các triệu chứng giống cúm, sụt cân, đau xương và mệt mỏi. Nếu gan hoặc lá lách phì đại, bạn có thể cảm thấy no và sẽ ăn ít hơn, dẫn đến giảm cân. Giảm cân cũng có thể xảy ra ngay cả khi gan hoặc lách không phì đại. Tình trạng nhức đầu có thể chỉ ra rằng các tế bào ung thư đã xâm chiếm hệ thống thần kinh trung ương (CNS).

Tuy nhiên, các triệu chứng nêu trên cũng có thể là dấu hiệu của các tình trạng sức khỏe khác. Do đó, bạn cần phải làm các xét nghiệm cần thiết để xác nhận chẩn đoán bệnh bạch cầu.

3. Bệnh bạch cầu được phân loại như thế nào?

Bác sĩ sẽ phân loại bệnh bạch cầu dựa trên tốc độ tiến triển của bệnh và loại tế bào bị tổn thương:

3.1. Phân loại dựa trên tốc độ tiến triển của bệnh bạch cầu

  • Bệnh bạch cầu cấp tính: Trong thể bệnh bạch cầu này, người ta thấy những tế bào máu bất thường xuất hiện. Các tế bào này phân chia rất nhanh và không thực hiện được các chức năng như các tế bào bình thường, khiến bệnh tiến triển nhanh và nặng. Bệnh bạch cầu cấp tính cần được điều trị tích cực và kịp thời.
  • Bạch cầu mãn tính có mối liên quan đến các tế bào máu trưởng thành. Những tế bào máu này sao chép hoặc tích lũy chậm hơn và có thể hoạt động bình thường trong một khoảng thời gian. Vì thế một số bệnh nhân mắc bệnh bạch cầu mãn tính có thể không có triệu chứng sớm và không được chú ý, chẩn đoán và điều trị trong nhiều năm.

3.2. Phân loại dựa trên loại bạch cầu bị tổn thương

  • Bệnh bạch cầu Lympho: Loại bệnh bạch cầu này ảnh hưởng đến tế bào bạch huyết (tế bào bạch huyết có chức năng tạo nên hạch bạch huyết hoặc mô bạch huyết). Các mô bạch huyết có chức năng tạo ra hệ thống miễn dịch.
  • Bệnh bạch cầu tủy: Loại bệnh bạch cầu này ảnh hưởng đến các tế bào tủy. Tế bào tủy tạo ra các tế bào hồng cầubạch cầu và sản xuất tiểu cầu.
  • Bệnh bạch cầu mãn tính có nhiều loại. Một vài loại bệnh do sự tăng sinh quá mức và trong một số trường hợp lại có quá ít tế bào được sản xuất.

Bệnh bạch cầu là một loại ung thư phổ biến, chiếm 31% trong số các loại ung thư ở trẻ nhỏ
Bệnh bạch cầu là một loại ung thư phổ biến, chiếm 31% trong số các loại ung thư ở trẻ nhỏ

3.3. Một số loại bệnh bạch cầu phổ biến

  • Bệnh bạch cầu cấp dòng nguyên bào Lympho (ALL): Đây là loại bệnh bạch cầu phổ biến ở trẻ nhỏ. Loại này cũng có thể xuất hiện ở người lớn.
  • Bệnh bạch cầu Cấp dòng tủy (AML): Đây là loại bệnh bạch cầu thông thường. Nó có thể xảy ra ở cả người lớn và trẻ nhỏ. AML là loại bệnh bạch cầu cấp tính phổ biến nhất ở người lớn.
  • Bệnh bạch cầu mạn dòng lympho (CLL): Đây là loại bệnh bạch cầu mãn tính phổ biến nhất ở người lớn, bệnh nhân có thể cảm thấy khá hơn sau vài năm mà không cần điều trị.
  • Bệnh bạch cầu mạn dòng tủy (CML): Loại bệnh bạch cầu này phần lớn ảnh hưởng đến người lớn. Người bệnh mắc bệnh bạch cầu mạn dòng tủy có thể có ít hoặc không có triệu chứng nào trong nhiều tháng hoặc năm trước giai đoạn mà tế bào bệnh bạch cầu tăng lên nhanh chóng.
  • Một số loại bệnh bạch cầu khác: Một số loại khác hiếm gặp hơn, bao gồm bệnh bạch cầu tế bào lông, hội chứng loạn sinh tủy (myeloproliferative / myelodysplastic).

4. Yếu tố nguy cơ của bệnh bạch cầu

Những yếu tố nguy cơ của bệnh bạch cầu bao gồm:

  • Điều trị ung thư trước đó: Một số bệnh nhân đã trải qua điều trị hóa trị và xạ trị cho một số loại bệnh ung thư trước đó có khả năng làm tăng nguy cơ phát triển bệnh bạch cầu.
  • Rối loạn di truyền: Bất thường di truyền đóng một vai trò nhất định trong sự phát triển của bệnh bạch cầu. Một số rối loạn di truyền, chẳng hạn như hội chứng Down, có liên quan đến tăng nguy cơ mắc bệnh bạch cầu.
  • Tiếp xúc với một số hóa chất: Phơi nhiễm với một số hóa chất, chẳng hạn như Benzen – được tìm thấy trong xăng và được sử dụng bởi ngành hóa chất – có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc một số loại bệnh bạch cầu.
  • Hút thuốc: Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc bệnh bạch cầu tủy cấp tính.
  • Tiền sử gia đình mắc bệnh bạch cầu: Người có thành viên trong gia đình mắc bệnh bạch cầu thì nguy cơ thế hệ sau mắc bệnh bạch cầu tăng lên.

5. Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Chuẩn đoán và điều trị bệnh bạch cầu
Chuẩn đoán và điều trị bệnh bạch cầu

5.1. Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán bệnh bạch cầu (bệnh máu trắng)?

Các bác sĩ có thể phát hiện bệnh thông qua xét nghiệm máu thông thường, trước khi các triệu chứng bắt đầu. Nếu bác sĩ nghi ngờ bạn mắc bệnh bạch cầu, họ có thể yêu cầu một số xét nghiệm sau:

  • Khám sức khỏe. Bác sĩ sẽ tìm các dấu hiệu thực thể, chẳng hạn như da nhợt nhạt do thiếu máu, sưng hạch bạch huyết và phì đại gan hoặc lá lách.
  • Xét nghiệm máu. Sau khi kiểm tra mẫu máu của bạn, bác sĩ có thể xác định xem mức độ bất thường của hồng cầu, bạch cầu hoặc tiểu cầu. Từ đó, họ có thể xác nhận chẩn đoán bệnh.
  • Xét nghiệm tủy xương. Bác sĩ có thể đề nghị một thủ thuật để lấy một mẫu tủy xương từ xương hông bằng kim dài và mỏng. Mẫu tủy xương sẽ được gửi đến phòng thí nghiệm để tìm kiếm các tế bào ung thư bạch cầu. Các xét nghiệm chuyên biệt về các tế bào ung thư bạch cầu của bạn có thể giúp bác sĩ xác định các lựa chọn điều trị phù hợp cho bạn.

5.2. Bệnh bạch cầu (bệnh máu trắng) có chữa được không?

Việc điều trị căn bệnh này sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Bác sĩ sẽ xác định các lựa chọn điều trị bệnh dựa trên tuổi tác, sức khỏe tổng thể, loại bệnh bạch cầu mà bạn mắc phải và liệu bệnh có lan sang các bộ phận khác của cơ thể, bao gồm cả hệ thống thần kinh trung ương không.

Các phương pháp điều trị bệnh bạch cầu có thể được sử dụng, bao gồm:

  • Hóa trị

Hóa trị là phương pháp điều trị chính cho bệnh bạch cầu. Bác sĩ sẽ sử dụng hóa chất để tiêu diệt các tế bào ung thư. Tùy thuộc vào loại bệnh mắc phải, bạn có thể được chỉ định một loại thuốc duy nhất hoặc kết hợp nhiều thuốc hóa trị. Những loại thuốc này có thể ở dạng thuốc viên, thuốc tiêm truyền hoặc tiêm tĩnh mạch.

  • Liệu pháp sinh học

Liệu pháp sinh học gồm các phương pháp điều trị giúp hệ miễn dịch của bạn nhận biết và tấn công các tế bào ung thư bạch cầu.

  • Liệu pháp nhắm trúng đích

Liệu pháp nhắm trúng đích sử dụng các loại thuốc tấn công các khu vực dễ tổn thương trong tế bào ung thư. Ví dụ như thuốc imatinib ngăn chặn hoạt động của một loại protein trong các tế bào ung thư bạch cầu của những người mắc bệnh bạch cầu dòng tủy mạn tính, từ đó bác sĩ có thể kiểm soát bệnh.

  • Xạ trị

Xạ trị sử dụng tia X hoặc các chùm năng lượng cao khác để làm tổn thương các tế bào ung thư bạch cầu và ngăn chặn sự phát triển của chúng. Bạn có thể nhận được bức xạ trong một khu vực cụ thể của cơ thể hoặc trên toàn bộ cơ thể. Liệu pháp xạ trị có thể được sử dụng trước khi bạn làm cấy ghép tế bào gốc.

  • Ghép tế bào gốc

Ghép tế bào gốc là một thủ thuật để thay thế tủy xương bệnh bằng tủy xương khỏe mạnh. Trước khi ghép tế bào gốc, bạn sẽ cần làm hóa trị hoặc xạ trị liều cao để tiêu diệt tủy xương bị bệnh. Sau đó, bác sĩ sẽ truyền tế bào gốc tạo máu vào cơ thể để giúp xây dựng lại tủy xương.

Bạn có thể nhận được tế bào gốc từ người hiến hoặc của chính mình. Ghép tế bào gốc rất giống với ghép tủy xương.

Ứng dụng tế bào gốc trong điều trị bệnh bạch cầu
Ứng dụng tế bào gốc trong điều trị bệnh bạch cầu

bài viết liên quan

sản phẩm được yêu thích

-17%
Giá gốc là: 300.000 VND.Giá hiện tại là: 250.000 VND.
-10%
Giá gốc là: 440.000 VND.Giá hiện tại là: 395.000 VND.
-9%
Giá gốc là: 160.000 VND.Giá hiện tại là: 145.000 VND.
-20%
Giá gốc là: 250.000 VND.Giá hiện tại là: 200.000 VND.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *